ten-the
  • 0911 006 335

Lễ hội Obon (お盆) là một trong những dịp lễ hội lớn nhất trong năm tại Nhật Bản. Diễn ra vào giữa mùa hè, lễ hội Obon thường được tổ chức vào khoảng tháng 7 và 8 dương lịch tùy vào từng địa phương, là dịp để người dân Nhật cùng nhau nhảy múa để tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Nguồn gốc và truyền thống

Nguồn gốc của lễ hội Obon chính là ngày lễ Vu Lan báo hiếu từ Phật Giáo. Tương truyền rằng từng có một vị sư tăng tên là Mokuren (hay Mục Kiền Liên) đã tu tập cùng với Phật Thích ca và lãnh ngộ được pháp lực cao cường. Ngài đã thấy được rằng mẹ mình đang phải chịu đày đọa dưới địa ngục vì đã làm nhiều chuyện ác. Mục Kiền Liên bèn đến hỏi Đức Phật cách để cứu mẹ. Đức Phật dạy rằng ngài cần phải viện đến sự trợ giúp của chư tăng mười phương vào ngày rằm (15) tháng 7, vậy nên hãy dâng lễ cúng vào ngày này. Từ đó ngày rằm tháng 7 hàng năm trở thành ngày lễ Vu Lan của Phật giáo.

Tại Việt Nam, lễ Vu Lan được tổ chức đúng vào ngày rằm tháng 7 hàng năm. Trong khi đó, ở Nhật Bản do có sự thay đổi từ Âm Lịch sang Dương Lịch trong thời kỳ Minh Trị nên đã sinh ra nhiều thời điểm tổ chức lễ hội Obon khác nhau tùy vào địa phương. Ở miền đông Nhật Bản (vùng Kanto, tiêu biểu là Tokyo, Yokohama hay Tohoku) tổ chức lễ hội Obon vào ngày 15 tháng 7 dương lịch, hay còn gọi là Shichigatsu Bon (Lễ hội Obon vào tháng 7). Trong khi đó, Hachigatsu Bon (Lễ hội Obon vào tháng 8) được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch là thời gian tổ chức phổ biến nhất và cũng là ngày lễ Obon lớn nhất tại Kyoto. Ngoài ra, Kyuu Bon (Lễ hội Obon cũ) vẫn được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng 7 Âm lịch tại các vùng phía bắc Kanto, Chuugoku, Shikoku và đảo Okinawa. Do tính phổ biến của nó, thời gian trong bài viết này sẽ chủ yếu dựa vào Hachigatsu Bon – Lễ hội Obon vào tháng 8.

Tên lễ hội Obon xuất phát từ chữ Bon Odori ( 盆踊り ) nghĩa là ‘nhảy múa’, bởi vì trong ngày này, người dân Nhật bản sẽ cùng nhau tôn vinh tổ tiên bằng điệu nhảy Bon Odori truyền thống. Cách người Nhật kỷ niệm ngày lễ Obon có phần mang tính dân tộc và truyền thống hơn, thay vì chỉ là một ngày lễ Vu Lan của Phật giáo.

Một điệu nhảy trong lễ hội Obon

Lịch trình của lễ hội Obon.

Trước ngày diễn ra lễ hội, người dân thường chuẩn bị rất nhiều thứ để tổ tiên về với con cháu an toàn và sau đó là an tâm trở về thế giới bên kia. Lễ hội Obon được tổ chức hai lễ chính là lễ Mukaebo (Đón các linh hồn) và lễ Okuribon (Tiễn các linh hồn).

Ngày 12/8: Chuẩn bị đón tổ tiên. Vào trước ngày bắt đầu Obon, người ta thường trang trí dưa leo và cà tím cắm bằng que tăm hoặc đũa được gọi là “Ngựa linh thiêng”. Dưa leo là ngựa, cà tím là bò, có ý nghĩa là “những người đã khuất sẽ lên ngựa để nhanh chóng trở lại trần gian, sau đó sẽ cưỡi bò để thong thả từ từ quay trở về thế giới bên kia”.

Dưa và cà tím trang trí trong lễ hội Obon

Ngày 13: Lễ đón các linh hồn. Vào chiều tối, người ta đặt những cây đèn thắp sáng trước bàn thờ và đốt những cuống gai đã tước trước vỏ ở vườn và cổng. Đây được gọi là “Lửa đón” để giúp các linh hồn thấy đường trở về nhà. Người ta cho rằng, linh hồn người đã khuất sẽ cưỡi đám khói từ ngọn lửa này để quay trở về trần gian. Nhờ đám khói này mà linh hồn người đã khuất sẽ không bị lạc đường và có thể quay về nhà mình an toàn, vì vậy đám khói này còn có vai trò như là vật chỉ đường “Michishirube”.

Lửa dẫn đường trong lễ hội Obon

Ngày 14,15: Khoảng thời gian các linh hồn ở lại nhà. Vào thời gian này rất nhiều người trong các gia đình thường đi viếng mộ. Họ thường dọn dẹp các mộ phần cho sạch sẽ, dâng hoa, thắp hương, dâng nước để thờ cúng tổ tiên. Sau đó những người thân thuộc, họ hàng trong gia đình lại tập trung lại và cùng nhau ăn uống. Một số gia đình còn thờ cúng tại nhà. Đây cũng là thời điểm bắt đầu các sự kiện ngoài đường phố.

Lễ hội Obon Nhật Bản
Lễ hội Obon Nhật Bản
Obon – Lễ hội được mong chờ nhất trong tháng 8 của người Nhật

Ngày 16: Lễ tiễn các linh hồn. Ngày cuối cùng của lễ Obon. Ngày này là ngày lại tạm biệt tổ tiên. Lúc này người ta lại đốt lửa “Lửa tiễn đi” tại đúng vị trí đốt “Lửa đón” để thắp sáng đường tiễn các linh hồn về với thế giới bên kia.

Hoạt động trong lễ hội Obon.

Vì lễ hội Obon là một trong những kỳ nghỉ dài nhất trong năm, nên nhiều gia đình Nhật bản đã chọn thời điểm này để quây quần lại với nhau, những người ở xa cũng tranh thủ về quể để sum họp, để rồi lại cùng nhau đi viếng mộ những người đã khuất.

Trong dịp lễ này, mỗi nhà đều bày lên những bàn thờ được trang trí tỉ mỉ. Đồ cúng của các gia đình Nhật Bản là những chiếc bánh khảo, làm từ bột gạo nhiều màu sắc cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều chủng loại được trình bày rất đẹp mắt. Dưa hấu (loại quả đại diện cho mùa hè) là một trong những loại quả được sử dụng nhiều nhất trong lễ hội. Đồ cúng cũng được thay đổi mỗi ngày, ngày 13 là Mukaedango (Bánh đón linh hồn); ngày 14 là Ohagi (Một loại bánh bột gạo); ngày 15 là Soumen (Bún làm bằng bột mì) và ngày 16 là Okuridango (Bánh tiễn linh hồn).

Bàn thờ của người dân Nhật Bản trong lễ hội Obon
Bàn thờ của người dân Nhật Bản trong lễ hội Obon

Nhắc đến lễ hội Obon mà không nói đến điệu nhảy Bon Odori thì quả là một thiếu sót. Điệu nhảy này bắt nguồn từ Mokuren (Mục Kiền Liên), khi ông nhảy múa vui mừng sau khi đã cứu được mẹ khỏi địa ngục. Người Nhật đã bắt chước điệu nhảy này và cho ra đời một truyền thống văn hóa gắn liền với lễ hội Obon.

Điệu nhảy Bon Odori trong lễ hội Obon
Điệu nhảy Bon Odori trong lễ hội Obon

Mỗi địa phương cũng có cách tổ chức lễ hội Obon của riêng mình. Ở nhiều nơi, những gian hàng sẽ được bày ra tập trung trong sân đình hay một địa điểm rộng rãi và được bài trí cho hợp với không khí lễ hội. Những người tham gia sẽ mặc Yukata, một loại Kimono thoáng mát của mùa hè, và cùng tham gia những trò chơi dân gian cũng như thưởng thức các món ăn ẩm thực truyền thống.

Người dân vui chơi lễ hội Obon
Người dân vui chơi lễ hội Obon

Cuối lễ hội là nghi thức Toro Nagashi (thả thuyền giấy). Người Nhật sẽ thả thuyền hoa đăng trên một dòng sông sáng lấp lánh, thơ mộng. Đây được thay cho lời chào tạm biệt để các linh hồn tổ tiên trở về thế giới riêng của họ sau chuyến viếng thăm con cháu. Ở một số nơi, nghi thức thả thuyền giấy được diễn ra cũng là lúc pháo hoa rực rỡ trên bầu trời, ghi dấu lễ hội đã kết thúc.

Nghi thức Toro Nagashi (thả thuyền giấy) trong lễ hội Obon
Nghi thức Toro Nagashi (thả thuyền giấy) trong lễ hội Obon

Đặc biệt ở Kyoto, tại lễ hội Obon lớn nhất Nhật Bản, người ta sẽ tổ chức lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của người đã khuất trở về cõi âm. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 chữ Đại, Diệu, Pháp, Thuyền và chữ Đại nhỏ lần lượt được thắp sáng bằng lửa trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto, mỗi chữ sẽ phát sáng khoảng gần 30 phút, tất cả sẽ tạo nên một khung cảnh thiêng liêng, ấm áp và hùng vĩ trong đêm hè ở cố đô Nhật Bản. Người Nhật Bản tin rằng ánh sáng ấy sẽ dẫn lối cho các linh hồn quay về trời một cách thanh bình và an lạc.

Chữ Đại được thắp sáng trong lễ dâng lửa tại lễ hôi Obon Kyoto
Chữ Đại được thắp sáng trong lễ dâng lửa tại lễ hôi Obon Kyoto

Khi những chữ Hán hiện lên trong ánh lửa. mọi người tham gia sẽ cùng hướng thân và tâm về các ngọn núi này với một tâm niệm chí thành để bày tỏ lòng tri ân tổ tiên. Một không khí huyền nhiệm, thiêng liêng và ấm cúng bao trùm con người và vạn vật càng tôn thêm vẻ quý phái của thành phố cổ kính này. Một Kyoto vốn đẹp lại càng đẹp hơn trong đêm cuối của lễ hội.

Add Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *