

- 09/01/2024
- 91
- 0
1. Ngày Tết tại Nhật Bản:
Ngày Tết của Nhật Bản có tên là Oshougatsu (お正月 – “Chính Nguyệt” theo phiên âm Hán Việt), diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3, tháng 1 dương lịch hằng năm . Đây là lễ hội truyền thống tại Nhật Bản bắt nguồn từ phong tục chào đón Toshigamisama – vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và tài lộc.
Thuở khi xưa người Nhật cũng sử dụng và đón Tết theo Âm lịch giống như Trung Quốc hoặc Việt Nam, tuy nhiên kể từ năm Minh Trị thứ 5 (1873), Thiên Hoàng đã ra sắc lệnh thay đổi bộ lịch của Nhật Bản sang Dương lịch giống như Phương Tây. Kể từ đó người Nhật đón Tết vào ngày 1/1 Dương lịch hàng năm.
2. Cách người Nhật chuẩn bị cho năm mới:
*Ngày tổng vệ sinh (Osouji):

Cũng như người Việt, người Nhật cũng có thói quen tổng vệ sinh vào những ngày gần Tết. Theo quan niệm của Thần Đạo Shinto, vị thần linh thiêng Toshigami sẽ đến viếng nhà vào năm mới để mang đến may mắn và bảo hộ cho những thành viên trong gia đình. Vì vậy nhà cửa năm mới phải luôn luôn sạch sẽ để đón thần vào nhà.
Ngày xưa ngày tổng vệ sinh hàng năm thường rơi vào ngày 13/12, tuy nhiên do cuộc sống hiện đại nên nhiều người phải đến ngày 28 hoặc tận 31/12 mới có thời gian để dọn dẹp. Tuy vậy, các đền thờ vẫn giữ nguyên truyền thống và tổ chức những buổi tổng vệ sinh vào ngày 13/12 hàng năm.
*Trang trí ngày tết:
Sau khi tổng vệ sinh xong xuôi, việc người Nhật làm tiếp theo sẽ là trang hoàng nhà cửa. Việc trang trí thường rơi vào ngày 28 hoặc 30/12, trong khi ngày 29 lại bị người ta kiêng cữ vì phát âm của ngày này giống với “Nijyu no kurushimi” (hai lần nỗi đau). Ngày 31/12 cũng thường bị kiêng vì đã quá sát Tết nên lúc ấy mới trang trí thì thật là thất lễ.

Một số vật trang trí thường được người Nhật sử dụng:
Kagamimochi: Mâm bánh dày – Mochi cùng một quả quýt Nhật – Mikan bên trên. Đây là nơi các vị thần trú lại khi đến thăm nhà, được đặt ở nơi trang trọng và xinh đẹp nhất của ngôi nhà.

Kadomatsu: Gồm cành thông và 3 ống tre tươi vát chéo, được xem là dấu hiệu của Thần linh. Người Nhật trang trí Kadomatsu ngay trước nhà và sử dụng các loài cây mang ý nghĩa phúc lành như thông, tre… Số đoạn trên cành thông phải lẻ chứ không được chẵn bởi theo quan niệm xa xưa thì hạnh phúc không thể chia được và cứ mãi mãi được duy trì, chỉ có nỗi bất hạnh mới chia được để chấm dứt. Ngoài ra, lý do dùng cành thông để trang trí là vì trong mùa đông, thông vẫn xanh tươi, tượng trưng cho sự thanh khiết và sức sống. Đồng thời lá thông sắc nhọn có thể diệt trừ ma quỷ, Kadomatsu có hình giống cái thang để thần năm mới Toshigami xuống hạ giới đem may mắn đến cho mọi nhà.
Shimekazari: được trang trí ngay lối vào nhà và bàn thờ, nhằm thể hiện ngôi nhà là nơi linh thiêng và có tác dụng trừ tà.

*Phong tục vào đêm đón giao thừa:
Mì đón năm mới – Toshikoshisoba là tên của loại mì được ăn vào đêm giao thừa 31/12. Tại vùng Kanto, mì được ăn kèm với tempura, tại vùng Kansai mì được ăn kèm với cá trích nishin. Tuỳ vào mỗi vùng mà người ta sẽ ăn kèm mì soba với một món khác nhau. Đây là phong tục có từ thời Edo, so với những loại mì khác thì mì soba dễ cắt hơn, chính vì thế việc ăn mì soba vào năm mới mang ý nghĩa cắt đứt tai ương của một năm đã qua. Có nhà ăn mì trường thọ trong bữa tối, nhưng cũng có nhà sau khi dùng bữa tối mới thưởng thức Toshikoshi Soba trong lúc lắng nghe tiếng chuông giao thừa.

Vào thời gian lúc 0h – nửa đêm của đêm giao thừa 31/12, người Nhật có một nghi lễ Phật giáo là đánh 108 tiếng chuông ở chùa (Joya no kane). 108 tiếng chuông tương ứng với 108 trần tục khiến cho con người phải khổ sở, theo lời dạy của Phật giáo. Ý nghĩa của nghi thức này là xua tan những điều phiền muộn của năm cũ để hướng đến một năm mới tốt lành hơn. Có rất nhiều ngôi chùa ở Nhật thực hiện nghi lễ đánh chuông này.

Ngoài ra ở các trung tâm thương mại hay công viên chủ đề cũng thường diễn ra những buổi đếm ngược – Countdown trước thềm năm mới. Sự kiện đếm ngược tại công viên Disney Land ở Tokyo hay sự kiện đếm ngược tại công viên Universal ở Osaka cực kỳ được yêu thích. Một điều đặc biệt khác là vào ngày đầu năm mới 1/1, tại các thành phố lớn xe điện sẽ hoạt động suốt 24 giờ.

3. Phong tục của những ngày đầu năm:
Ngày 1/1 được gọi là “Gantan” và là ngày bắt đầu năm mới ở Nhật. Từ ngày 1 đến ngày 3 được gọi là “San ga Nichi” và là ngày nghỉ Tết của nhiều công ty, cửa hàng. Tùy vào từng địa phương mà thời gian kéo dài ngày Tết – còn được gọi là “Matsu no Uchi” – là khác nhau, như Tết ở những vùng gần Tokyo kéo dài đến ngày 7/1, còn những vùng gần Osaka kéo dài đến ngày 15/1.
“Akemashite omedetou gozaimasu” – Chúc Mừng Năm Mới
*Những món ăn ngày Tết:
Đầu tiên là rượu mừng năm mới trừ tà trong năm đó và để kéo dài tuổi thọ, tiếp đến là món canh bánh dày Ozoni và món canh này sử dụng tất cả các nguyên liệu củ cải, khoai và bánh dày (omochi)… những thứ được bày cúng trên bàn thờ tổ tiên trong đêm giao thừa.
Một đồ ăn nữa không thể không nhắc đến trong ngày Tết đó là Osechi, một phần vì quan niệm xa xưa cho rằng nấu nướng trong ba ngày đầu năm mới không tốt cho thần bếp, phần vì để giải phóng cho các bà nội trợ khỏi công việc nấu nướng bận rộn trong mấy ngày năm mới nên người Nhật có tục lệ chuẩn bị sẵn đồ ăn nguội gọi là osechi trong một cái hộp lớn để cả nhà cùng ăn. Các siêu thị đều có bán các hộp Osechi như vậy.

Ngày 7/1, người Nhật có tục lệ ăn cháo chay Nanakusagayu. Cháo này được nấu từ 7 loại rau quả để cầu chúc sức khỏe.

*Hatsumoude – Viếng Đền hoặc Chùa đầu năm mới:
Chuyến thăm đền thờ đầu tiên của năm mới – là một trong những hoạt động chào đón tết ở Nhật Bản truyền thống nổi tiếng nhất, tương tự như hoạt động viếng chùa hái lộc đầu năm của người Việt. Các đền thờ lớn hơn như Meiji Jingu thường mở cửa suốt đêm kể từ giao thừa để mọi người có thể cầu nguyện trong vài giờ đầu tiên của năm mới. Đến các đền thờ nổi tiếng ở Kyoto hay Tokyo, bạn sẽ thấy cảnh tượng đông nghịt người với những hàng dài xếp đuôi nhau không dứt từ tận lúc giao thừa đến hết ngày đầu năm.

Trong lúc viếng đền, mọi người có thể đến đứng trước điện thần và dâng lễ bằng đồng năm yên vào hòm công đức (vì 5 yên phát âm là Go-En, đồng âm với chữ Duyên hay May mắn), và chắp tay cầu nguyện trước khi rung chuông để gửi ước nguyện của mình đến với các vị thần.

Một việc phổ biến khác mà mọi người có thể làm khi viếng đền là rút các quẻ xăm Omikuji để tiên đoán vận mệnh của mình cho năm mới. Quẻ xăm có thể được phân thành nhiều cấp bậc may mắn như Tiểu Cát – Trung Cát – Đại Cát. Nếu rút được quẻ tốt, người ta sẽ mang theo bên mình. Nhưng nếu lỡ như rút phải quẻ Hung (xui xẻo), người rút cũng có thể buộc lại nó trên thân cây hoặc bờ tường của ngôi đền, vì quan niệm “Quẻ tốt mang đi, quẻ xấu buộc lại”.

*Tiền lì xì (Otoshidama):
Tương tự như người Việt, người Nhật cũng thường cho trẻ em và người lớn tuổi tiền mừng tuổi đầu năm, với những lời chúc về sức khỏe, công việc, học hành, cũng như vạn sự như ý.

*Làm vỡ bánh dày (Kagamibikari)
Khi các vị Thần ngự trong nhà vào dịp đầu năm, tuyệt đối không được ăn chiếc bánh dày dùng để mời Thần linh – Kagamimochi. Việc thưởng thức Kagamimochi sau khi vị Thần đi khỏi gọi là “Kagamibiraki”, thường diễn ra vào ngày 11/1 hàng năm. Bánh dày hình gương tượng trưng cho may mắn, cũng như quan niệm thần linh không thích những vật nhọn, nên người Nhật không cắt chiếc bánh này mà làm vỡ bằng búa. Bánh dày vỡ ra được nấu thành chè với đậu đỏ cũng hàm ý mang lại những điều tốt đẹp, đồng thời cũng là dấu hiệu cho người ta biết rằng “Cuối cùng cũng hết Tết rồi nhỉ”.
