ten-the
  • 0911 006 335
Sen no Rikyu
Mặc dù không phải là người trực tiếp sáng tạo ra nghệ thuật trà đạo, trà sư Sen no Rikyu (千利休, 1522 – 1591) lại chính là người đã hoàn thiện nghi thức trà đạo và đặt nền móng cho nghệ thuật trà đạo hiện đại của ngày nay.
Tượng chân dung Sen no Rikyu

Sinh ra trong một gia đình thương nhân tại thương cảng Sakai, ngày nay thuộc Osaka, Sen no Rikyu (hay còn gọi là Sen Rikyu) từ nhỏ đã được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa phong phú từ Đông sang Tây. Ông cũng được tiếp cận với trà đạo từ rất sớm và đã được hướng dẫn từ chính ngài Takeno Joo, một thương gia nổi tiếng và cũng là nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa trà đạo. Sự nghiệp trà sư của Sen no Rikyu chính thức thăng hoa khi vào năm 58 tuổi, ông trở thành trà sư thân cận của vị lãnh chúa Oda Nobunaga nổi tiếng. Và sau khi Nobunaga tử nạn tại sự kiện chùa Honnoji lịch sử, Sen no Rikyu chuyển sang phục vụ cho người kế nhiệm của ngài là ngài Hideyoshi Toyotomi, người đã thống nhất Nhật Bản và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ Chiến quốc loạn lạc.

Lãnh chúa Hideyoshi rất xem trọng Sen no Rikyu và đã cho xây dựng nhiều phòng trà bằng vàng xa hoa. Ông cũng ban cho Sen no Rikyu nhiều đất đai, cộng với cho vị trà sư chủ trì tổ chức nhiều bữa tiệc thưởng trà lớn. Tại lễ dâng trà lên Nhật Hoàng vào năm 1585, Sen no Rikyu đã được ban cho pháp danh Koji.

Mặc dù giữ vị trí cao và được nhiều người có quyền lực xem trọng, Sen no Rikyu lại là người tin vào triết lý Wabi Sabi, cái đẹp của sự giản dị. Thay cho những phòng trà xa hoa, ông thích dùng những phòng trà rất nhỏ nhắn và mộc mạc như phòng trà Taian chỉ rộng có hai chiếu tatami. Ông cũng phát triển ra nhiều vật dụng dùng cho nghệ thuật trà đạo như bình hoa, gậy múc bột trà hay nắp tre, những thứ đã trở thành tiêu chuẩn cho nghi thức trà đạo sau này. Quan trọng nhất, ông là người tiên phong trong việc sử dụng bát uống trà gốm của Nhật bản thay cho những dụng cụ tiền từ Trung Quốc. Có thể nói, Sen no Rikyu đã giúp định hình nghi thức trà đạo Nhật bản.

Phòng trà theo phong cách Sen no Rikyu

Những năm cuối đời, quan hệ của Sen no Rikyu và lãnh chúa Hideyoshi Toyotomi xấu đi. Trong một lần nóng giận, Hideyoshi đã ra lệnh cho Sen no Rikyu phải seppuku (mổ bụng tự sát).

Vào ngày cuối đời, Sen no Rikyu tổ chức một buổi tiệc tại tư gia để từ biệt mọi người. Cuối bữa tiệc, ông tặng cho mỗi vị khách một dụng cụ trà đạo của bản thân để làm kỷ niệm, duy chỉ có bát uống trà thì ông lại đập vỡ tại chỗ.

“Chẳng bao giờ chiếc cốc này, vốn đã bị đôi môi bất hạnh làm hoen ố, còn được ai dùng nữa.” ông đã thốt lên như vậy.

Người ta nói rằng sau khi ông mất, lãnh chúa Hideyoshi đã rất hối hận và cho xây một tòa lâu đài tuyệt tác Fushimi để vinh danh ông.

Mộ của Sen no Rikyu đặt tại Kyoto ngày nay và vẫn được các ngôi trường về nghệ thuật trà đạo coi sóc hàng năm.

Add Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *